Nombre total de pages vues

lundi 26 décembre 2016

NHỮNG ĐỨA CON CỦA TỬ THẦN (Kỳ thứ 7)



KỲ THỨ 7

                               
- Anh Đỉnh
     Đỉnh giật mình ngoảnh lại, nhìn trân trân người kêu mình. Mặt anh ta dài ra, đầu tóc bù xù, áo quần xốc xếch, đôi dép vá víu tứ tung, xệt xạt ngoài bàn chân. Anh ta cũng nhìn chăm chăm, nhếch môi, nửa cười nửa như khóc.
     Đỉnh cố moi trí nhớ, nhưng chịu thua không biết anh ta là ai mà biết tên mình. Cái giật mình còn chạy trong anh như một luồng gió lạnh.
     Mấy lúc sau này, đầu óc rối bời, Đỉnh cũng như bao nhiêu người khác thường hay đi vẫn vơ, đi mà chẳng biết đi đâu. Tai bay họa gởi hay xảy ra khắp nơi, bất cứ lúc nào, dồn dập trên đầu mọi người, ai ai cũng đăm ra ngơ ngác sợ sệt.
     Đỉnh xoay người định đi thì anh ta chồm tới kéo tay Đỉnh :
- Anh Đỉnh. Anh quên tôi rồi sao? Sạch đây nè.
- Ồ ! Anh Sạch, trời ơi ! Sạch đây à?
     Có người lấp ló ở đầu hẻm.
- Thôi mình đi.
     Vừa nói Đỉnh vừa níu tay Sạch. Anh ta uể oải lê bước sau Đỉnh. Sạch thở khò khè như có cái gì cản trở không cho không khí vào phổi. Sao anh ta ra nông nỗi này? Anh Sạch, người cao ráo phốp pháp, tính tình hiền hòa, ít nói.
     Sạch bỗng khựng lại sà xuống chiếc ghế của chị bán nước ở đầu đường.
- Mệt quá ! Đi hết nỗi rồi. Ngồi xuống đây Đỉnh.
     Chị bán nước đang ngó quanh xem có động tịnh gì thì gom đồ mà chạy, lơ đãng hỏi :
- Hai ông dùng chi?
Đây là quán cóc bán cà phê lê đường mà lúc sau này người ta kêu đại là bán nước. Đâu còn cà phê để bán mà có chui lòn đâu được thì cũng ít ai uống nỗi nên chỉ bán nước đá lạnh, trà nóng, trà đá cùng mấy trái chuối, cục kẹo. 
- Có gì uống không chị? Đỉnh hỏi.
- Đá lạnh, đá trà.
     Chị trả lời cọc lóc, mặt ngó đâu đâu.
- Anh uống gì? Đỉnh hỏi Sạch.
- Gì cũng được Đỉnh à.
- Hai trà đá.
     Sạch ngồi, một chân co quắp, một chân duỗi dài ra, kê cằm lên đầu gối, tay lượm hòn sỏi mân mê, tay kia chọt ngón trỏ vào cục nước đá trong ly rồi quậy leng keng.
- Độ này anh ra sao? Anh Đỉnh? Sạch hỏi.
- Cũng “vây vây” vậy anh. Đỉnh bắt chước mọi người trả lời theo lối vô thường vô phạt vì biết đâu người hỏi lại là kẻ điều tra.
- Còn anh?
- Tôi à? Muốn thắt họng.
- Sao vậy? Kệ nó chớ. Đời còn dài mà.
- Dài gì anh. Trước đây bọn nó rình rập nhà tôi mãi, tôi bực quá. Tôi có thằng cháu là cán bộ “quận uỷ” dẫn tôi ra phường giới thiệu tôi là gia đình cách mạng. Cũng tưởng là kiếm chỗ dựa nào dè bọn nó rù quến mãi, tôi phải đi làm công tác phường. Làm túi bụi, lúc trong trụ sở, lúc ở ngoài đường, quên ăn, quên ngủ. Nhờ đó mà tôi được cử theo đoàn công tác Thành ủy đi tham quan các khu kinh tế mới.
- Ừ thì cũng chút đỉnh với người ta chớ. Tôi cũng vậy.
     Đỉnh chêm vào cho phải lễ, chứ thật ra anh cứ hẹn lần hẹn lựa rồi lặn luôn.
- Anh cũng tham gia à? Sạch hỏi Đỉnh.
     Sạch nhìn chòng chọc vào Đỉnh nhưng chỉ thấy Đỉnh cười trừ, anh còn tiếp :
- Anh biết không. Đất tốt quá. Cây cối mới trồng lên xanh um. Phong cảnh rất đẹp lại có gió mát, không khí trong lành. Tôi nghĩ tội gì mình chen chúc ở Sàigòn nóng nảy chật chội, đông đúc. Theo lệnh mấy ông Thành ủy tôi vận động bà con trong chợ, không lâu dài gì nhưng cũng vách gạch mái ngói, hồi đó người ta trả gần triệu bạc tôi không bán. Thế mà tôi địc vách cạy mái cửa, tung ngói gỗ mấy cái cây rồi dọn đồ ra đi.
- Sao anh không bán?
- Anh lại hỏi giả ngộ. Ai cấp giấy tờ khai hộ khẩu cho mà mua. Biết bao nhiêu người cứ tưởng như thời nào, cứ mua đại, tới chừng dọn vô ở, ra phường xin tờ khai hộ khẩu mới ngã ngửa ra là không cấp và phải dọn ra khỏi ngay. Chủ cũ cũng không được ở và nhà đó phường quản lý giùm. Với lại, khu tôi ở phải theo kế hoạch nhà nước. Ồ, ai cũng thế đâu phải mình tôi.
Hôm ra đi, quận làm lễ tiễn đưa rất long trọng, cờ xí, biểu ngữ rợp trời. Trống, phèn la, múa lân nhộn nhịp. Đồng bào vỗ tay, phất cờ. Xe chạy, mọi người cổ động vừa nhịp vừa hát vui hết sức.
- Vui thế sao có người than quá vậy?
- Vui, vui thiệt. Anh đi thử rồi biết. Xe lên đến nơi, không biết người đâu chực sẳn vỗ tay bôm bốp hoan hô bể trời. Đúng như nhà nước nói, nhà cửa đàng hoàng, thẳng tấp rất đẹp mắt. Nhưng bước tới thì hỡi ôi, chòi tre lợp rơm, ngang dọc cở bốn, nă, bước, chưa có nền, xung quanh trống dộc. Nói là để bà con tự làm cho vừa ý thích. Vợ chồng con cái nai lưng đấp nền, đốn cây chặt lá về làm vách, làm cửa...
- Anh có cửa rồi mà?
- Vứt đi. Nhà thấp lụp sụp, phải rạp mình mà vào. Cửa cao hai thước mấy, tra cái khỉ gì được. Nhiều lúc tôi giận quá. Sàigòn dầu hèn cũng thể lại bỏ đi. Cảnh đẹp nào có ăn được đâu, đến kiếm một miếng nước cũng phải lết bộ hàng mấy cây số mới đến sông. Gió mát, trời ơi mỗi lần gió thổi là vợ chồng con cái chia nhau ôm cứng bốn gốc cột như khỉ đột, nếu chậm thì nhà sập. Còn không khí trong lành thì trời đất ơi, có lúc nào rảnh rỗi, nhẹ nhỏm tâm hồn đâu nữa thưởng thức. Lo ngay ngáy hàng ngày hàng giờ cái ăn, cái uống, cái mặc. Cái đinh đóng cột máng quần áo. Cái dây cột thùng gánh nước. Cái nào cũng phải lội bộ cả đêm mới kiếm được chỗ bán, lại phải lo về cho kịp sáng sớm đi làm theo tiếng kẻng.
    Đất thì nhiều thiệt nhưng khô cằn. Trồng đâu chết đó. Cái chỗ đất tốt tôi coi lúc trước chỉ là một cái trũng nhỏ mà người ta trình diển. Vả lại đất của ai đâu phải đất của mình. Mình chỉ biết đi làm quầng quật suốt ngày này sang ngày khác, thế thôi.
    Gạo, khoai, muối mắm thì nhà nước muốn phát lúc nào thì phát. Phát bao nhiêu cũng được, ai dám kêu ca gì. Tiền túi giành giụm suốt đời. Lúc ở Sàigòn làm thí công, xài một mớ, lên đó tiếp tục xài hết ráo.
    Sạch nói thao thao bất tuyệt.
Thấy anh cầm ly trà đá uống ngon lành, Đỉnh hỏi :
- Thế còn chị và các cháu?
- Chị nào?
- Vợ anh.
- Còn đâu !
    Đỉnh ngạc nhiên hỏi gặn lại :
- Anh nói gì lạ vậy ? Nghĩa là sao ?
Giọng Sạch nửa buồn nửa giận :
- Nghĩa là...mất tất cả anh ạ !
Nói xong anh gầm mặc xuống, mắt hơi lưng tròng
- Có chuyện gì? Anh có thể kể lại tôi nghe được không? Xem ra tôi giúp anh một phần nào.
    Sạch cười trong đau đớn. Tuy nhiên anh cố nói ra để giải bớt nỗi u phiền :
- Cám ơn anh. Nhưng chuyện đã trôi qua rồi, gợi lại làm chi nữa.
     Đỉnh hiểu loáng thoáng mơ hồ qua lời của Sạch kể về tình trạng vợ con anh là mất tất cả. Như vậy là sao? Chẳng lẽ vợ con anh chết hết trên vùng kinh tế mới? Đỉnh nhớ lại nhiều người đi vùng kinh tế mới về thành phố kể lại là ở đó, người nào không quen cảnh như rừng thiên nước độc thì ngã bệnh rồi chết. Trường hợp Sạch kể úp mở thì có phải vợ con anh không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
    Sạch biết Đỉnh còn thắc mắc, anh nói để Đỉnh khỏi hỏi nữa :
- Tất cả như đã chết !
    Sạch khép kín đôi mắt lại như che giấu nỗi khổ chan chứa trong lòng.
    Đỉnh không hỏi ý Sạch, tự động kêu chị bán nước uống :
- Chị cho tôi hai ly nữa.
    Sạch cầm ly nước trà đá thứ hai, anh hớp một cái thật mạnh cho mảnh nước đá nhỏ lọt vào miệng. Anh chấp chấp vài cái rồi mở mắt ra nhìn xa xăm.
    Đỉnh ướm lời :
- Bây giờ anh tính sao?
- Tính cái gì?
- Anh có thể tính về ở luôn đây hay lại quay lên đó?
    Sạch im lặng suy nghĩ. Hai người nhìn nhau không nói một lời. Đoạn, Sạch cất tiếng khào khào :
- Về ở đây ai dám chứa. Đã chuyến hộ khẩu lên đẫy rồi. Nhà nước bây giờ chớ nào phải như chính quyền cũ.
Anh tới thằng chháu cán bộ gì của anh xem giúp gì được anh không?
   Nghe nhắc đến thằng cháu. Sạch nỗi cáu đổi giọng hơi gây gắt :
- Đừng nhắc tới thằng đó nữa. Cũng tại nó mà nay tôi mới ra thân tàn như thế này?
    Đỉnh giải thích :
- Theo tôi nghĩ, không phải tại thằng cháu của anh. Nó cũng như anh, tuân hành theo chính sách mà thôi. Và tôi thấy anh nên tới gặp nó để cho nó thấy rõ chân lý của người dân hưởng ứng đi lập nghiệp vùng kinh tế mới là tấm thân xơ xác như anh. Gia đình tan nát như gia đình anh.
    Ngừng một chút để dò xét phản ứng của Sạch. Thấy anh này lặng thinh, Đỉnh đổi lời :
- Nói là nói vậy chớ thằng cháu của anh nó là cấp cán bộ rồi thì không bao giờ sai lệch lý tưởng. Không chừng anh tới gặp nó, nó quay lại kết tội anh về đây tuyên truyền bậy bạ, nghe bọn phản động !
- Tôi đâu có làm phản động?
- Vận động người đi lập nghiệp vùng kinh tế mới là chính sách của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đài phát thanh, truyền hình đều quảng cáo, chiếu cho mọi người nhìn thấy những hình ảnh sung túc ở vùng kinh tế mới. Còn anh về đây có nói lên sự thật cũng chẳng ai nghe. Nói đúng hơn là họ không dám nghe những lời thật của anh, dù họ biết đó là thật. Thằng cháu của anh tôi tin rằng nó đã biết trước sự việc xảy ra nhưng nó như là cái máy.
    Sạch gục đầu, cầm ly nước trà đá còn dở nữa xoay trong lòng hai bàn tay úp tròn. Anh ngước mặt lên lộ nét u buồn, buông lời nói :
- Nếu như vậy thì tôi ở vùng kinh tế mới mãi sao?
- Không hẳn. Hay là anh đến phường trình bày hoàn cảnh gia đình của anh xem họ giải quyết thế nào? May ra họ còn tưởng tới thằng cháu của anh là cán bộ quận mà giúp đỡ.
    Rồi đột nhiên Đỉnh nhớ đến một điều gì đó, anh bất thần hỏi thêm Sạch :
- À ! Nếu tôi nhớ không lầm, anh còn là bà con gì với nữ nghệ sĩ Thanh Hương ? Hồi xưa có lần anh nói với tôi thì phải?
- Phải.
    Rồi Sạch cố moi lại trí nhớ xem anh đã nói với Đỉnh trong khoảng thời gian nào ? Ừ, hình như thời gian Thanh Hương lẹo tẹo với HM bỏ V. Chung, báo chí đăng ầm lên. Sạch hỏi Đỉnh :
- Sao bỗng dưng anh nhắc tới chuyện đó có giúp ích gì cho tôi?
    Đỉnh lấy gói thuốc Hoa Mai ra đưa cho Sạch vừa nói :
- Mời anh.
    Sạch rút lấy một điếu gắn trên môi. Tay mặt xọt vào túi quần tìm cái quẹt lửa. Đỉnh nhanh hơn, bật lữa châm mồi. Sạch hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ qua mũi, qua miệng. Anh nói :
- Thanh Hương đã chết lâu rồi, bây giờ coi như không còn quan hệ.
- Tôi tưởng anh còn dính líu tới bà con Thanh Hương, anh đến nhờ họ xem sao? Giữa anh và nữ nghệ sĩ Thanh Hương bà con như thế nào?
- Bà con xa thôi. Hồi nó còn sống tôi nhờ cậy còn không được, huống chi bây giờ nó đã chết mất đất rồi, họ đâu còn ngó thằng này làm chi !
    Sạch ngước mắt nhìn lên trời, miệng lấp bấp như đang dự tính một chuyện gì sắp tới. Đỉnh mặc Sạch ngồi ngó trời mông lung. Anh hút cạn điếu thuốc cháy gần tàn, rồi vứt xuống đất lấy chân dập lên cho tắt khói.
    Nắng chiều đã tắt. Bên kia cầu Khánh Hội có tiếng còi thổi in ỏi của đám phường đội đi tuần.
Xa thành phố bao nhiêu năm, giờ lại nhìn đường phố không khá hơn chút nào.
    Đỉnh quay qua nói với chị bán nước uống :
- Chị Chín, đây là anh Sạch, trước ở đây nè.
    Chị bán nước uống gật đầu chào, mở lời hỏi :
- Ủa sao em không biết ảnh?
    Đỉnh đỡ lời thay Sạch :
- Lúc chị về là ảnh dọn nhà lên ở vùng kinh tế mới.
- Anh về đây chơi hả anh? Chị hỏi Sạch.
- Dạ, thăm lại xóm cũ, bạn bè xưa. Sạch nói âm miền Nam.
    Chị Chín không biết cố ý hay vô tình :
- Em nghe nói ở kinh tế mới sướng hơn ở thành phố. Ăn uống nhà nước lo hết. Mọi thứ đều được nhà nước ưu tiên phải không anh ? Em thấy chiếu trên tê-lê những khu kinh tế mới đời sống thoải mái quá. Ở thành phố này phải lo chạy ăn lòi con mắt ra mà cũng chưa được như vậy.
    Sạch không biết trả lời sao cho chị bán nước thấu hiểu đời sống người khu dân kinh tế mới. Anh hỏi ngược lại để thăm dò tư tưởng chị ta :
- Chị muốn đi lên ở đó không? Mai mốt đi với tôi.
- Thôi, em quen ở thành phố rồi, lên trên đó buồn lắm, hơn nữa ở đây có họ hàng bạn bè dù sao cũng dễ nhờ cậy.
- Vậy sao chị vừa nói là ở đó sướng vui lắm?
    Chị Chín mỉm cười :
- Không phải, ý em là thấy trên tê-lê chiếu những hình ảnh thấy mà ham. Hồi trước nhà em cũng kêu em đi nhưng không hiểu sao lúc ấy em không chịu đi, nói đúng hơn là em lo nghĩ đến sự học hành của con em mà ở lại. Chồng em cũng nghĩ tới tương lai con cái học hành nên ảnh bỏ ý định đi lập nghiệp vùng kinh tế mới. Ở khu anh em không biết sao chớ nhiều khu người ta đi rồi lộn đầu về thất thơ thất thiểu dở khóc dở cười. Họ xin chuyển hộ khẩu không được nên đánh liều ăn tạm ở nhờ qua ngày. Vì vậy thỉnh thoảng công an tìm kiếm chuyện và hăm dọa người chứa chấp. Ngoại trừ trường hợư có quan hệ tới gia đình cách mạng.
    Con cái, em nghĩ ở khu kinh tế mới không biết có trường học nhiều như ở Sàigòn? Anh sống ở đấy rồi chắc là biết rành hơn em. Vậy anh kể lại cho em nghe được không?
    Đỉnh sợ Sạch chìu lòng chị Chín kể ngọn ngành cuộc sống tại vùng kinh tế mới thì phiền phức và mất nhiều thì giờ. Anh thấy lúc này là lúc cần giải quyết vấn đề ăn ở tạm vài ngày tại đây để Sạch xin phường cứu xét chuyển hộ khẩu. Anh hỏi Sạch:
- Anh mới về hôm nay hay mấy ngày rồi?
- Tôi mới vừa về là gặp anh.
- Anh có định ở tạm đâu chưa?
    Sạch thừ người ra. Anh nói nhỏ giọng :
- Chắc là đêm nay ngủ tạm các sạp chợ. Sáng mai tính sau.
    Đỉnh nói ngay :
- Thôi, tối nay anh về ngủ tạm nhà tôi. Rồi sáng mai anh ra phường trình diện.
- Cám ơn anh, nhưng liệu có làm phiền anh nhiều không? Chắc là phải đi khai báo với phường hả anh?
    Đỉnh đáp lẹ :
- Không hề gì, anh đừng lo, để đó tôi tính.
    Chị Chín bán nước nghe cuộc đối thoại giữa hai người đàn ông từ nảy giờ thì chị đã hiểu phần nào câu chuyện. Chị quay sang hỏi Đỉnh: 
- Bộ ảnh muốn về đây ở luôn hả anh Đỉnh?
    Đỉnh vừa gật đầu vừa nói :
- Ờ, anh Sạch xin về ở đây, không ở kinh tế mới nữa.
- Thấy chưa, biết đi rồi cũng phải quay về mà.
    Chị Chín định hỏi thêm về gia cảnh của Sạch nhưng Đỉnh lanh trí hỏi trước để chận lời chị bán nước :
- Tính tiền, chị Chín.
- Dạ.
    Sạch lấy làm lạ là chẳng thấy Đỉnh móc túi trả tiền còn chị bán nước chỉ dạ rồi cậm cụi làm nước bán cho khách hàng khác. Nghe chị dạ một tiếng lớn rồi thôi.
    Anh ngần ngừ thì Đỉnh đứng lên nói tiếp với chị bán nước uống cho Sạch khỏi thắc mắc :
- Nhớ ghi sổ nếu quên tôi nhờ.
    Đỉnh phân bua với Sạch :
- Quen rồi, cuối tháng thanh toán một thể.
    Hai người đàn ông rời khỏi quán bán nước uống. Đèn đường cũng bắt đầu thắp sáng lên báo hiệu bóng đêm sắp về bao trùm vạn vật.
    Sạch hỏi Đỉnh thăm dò tình hình xóm cũ xem có gì lạ sau mấy năm anh dọn nhà đi lập nghiệp vùng kinh tế mới mà nhà nước cho rằng nơi đó là thiên đường của người dân dưới chế độ mới, đền bù lại những mất mát trong thời chiến tranh.
- Xóm mình có gì thay đổi không anh Đỉnh?
    Đỉnh im lặng khoảnh khắc nói :
- Ờ có, người mới về ở đây đông. À, anh Sạch còn nhớ thằng  Bảy không ?
- Bảy ? Có phải con trai của bà...bà...
Bà Tư chợ Tôn Đản đó, anh quên rồi sao?
- Ờ...ờ...nhớ rồi. Sao? Nó làm gì?
    Đỉnh nói giọng thoáng nghe qua tưởng rằng anh đề cao nhưng hàm ý chế nhạo :
- Bây giờ nó ngon lắm, trong đội Phòng Vệ Dân Phố.
    Sạch ngạc nhiên :
- Vậy à ?
Mới đây bà con trong xóm lên án nó nặng hết mức.
- Chuyện gì thế?
- Dụ vợ người ta ngủ với nó.
    Sạch la làng :
- Trời đất! Mà dụ bà nào vậy?
- Chị Lương vợ anh Nguyên.
- Ồ, tưởng ai chứ bà đó thì khỏi nói. Bà ta có tiếng từ lâu chắc anh cũng nghe thành tích lang chạ của bà hết người đàn ông này sang người đàn ông khác. Mặc chồng, mặc con cái. Anh Nguyên ảnh biết nhưng lúc nào cũng biện hộ cho vợ là tội nghiệp vợ mình non dại bị người ta dụ cho nên bà ta đi đi về về, rồi năn nỉ khóc lóc xin chồng tha thứ. Ảnh đã tha thứ biết bao nhiêu lần rồi ngựa vẫn quen đường cũ.
    Đỉnh phẩn nộ :
- Đàn ông thì không nói gì, đằng này thằng con nít ranh nghĩ mà tức chớ.
- Rồi anh Nguyên biết không?
- Thoạt đầu tiên bạn bè cho ảnh hay nhưng ảnh không tin, lần lần tiếng đồn loang rộng. Ảnh thì ngấm ngầm theo dõi. Còn vợ anh ta thì biết được tiếng đồn đã tới tai chồng nên khôn khéo lèo lái lời từ chồng mình đến tình nhân.
    Nhưng rồi anh Nguyên bắt được quả tang.
- Làm sao bắt được quả tang?
    Đỉnh mơn trớn kể :
- Bữa nọ, anh Nguyên được bạn bè cho biết có sự hẹn hò giữa vợ anh và thằng nhóc Bảy tại nhà lúc nửa đêm.
- Nhà nào?
- Nhà anh Nguyên chớ nhà nào.
- Bạo vậy ? Sao nữa?
- Cùng với bạn bè bàn tính, ảnh giả đò đi làm như thường lệ. Vợ anh ta tưởng thiệt liền rước thằng khốn nạn vào. Đợi khi hai người đang làm tình thì anh Nguyên tong cửa. Thằng Bảy sợ quá không chạy thoát được đành chui xuống gầm giường trốn. Còn vợ anh Nguyên thì lúc này phản phé đổ ngược lại :
- Nó dựa thế làm việc cho cách mạng cưỡng bức em phải hẹn tù ti tú tí với nó đêm nay.
Anh Nguyên chẳng nói năn gì, tóm cổ lôi đầu thằng Bảy từ gầm giường ra thì vợ anh Nguyên đã cầm sẳn sợi dây thừng, lớn tiếng hầu che lấp tội lỗi của mình.
- Nè anh, dây này trói nó lại...
- Rồi anh Nguyên có trói không?
- Không. Mà lại tha cho nó đi sau khi nó van lạy sát đất năn nỉ một hồi.
    Thằng khốn mừng quýnh như thoát chết ní liền vọt ra khỏi nhà. Sau này anh Nguyên tiết lộ là đêm đó anh có thâu băng “cassette” để làm bằng chứng.
    Sạch gặn hỏi lại Đỉnh :
- Anh ta thâu băng ?
    Đột nhiên có tiếng kêu của giọng đàn bà từ xa vang lại :
- Anh... Anh Đỉnh, anh...
    Đỉnh ngơ ngác kiếm tìm thì thấy bóng dáng vợ anh đang từ trong chợ Tôn Đản đi ra. Anh quay qua nói với Sạch :
- Bà xã tôi.
- Chị khỏe hả anh?
Ngọc, vợ Đỉnh tới gần, gật đầu chào Sạch rồi chị nói luôn vẻ mừng rỡ :
- Anh Sạch về hồi nào vậy ? Còn chị và các cháu đâu, không thấy?
    Sạch miễn cưỡng đáp :
- Ờ...tôi về một mình chị ạ.
    Ngọc nhìn chồng, Đỉnh nói nhẹ :
- Anh Sạch tính xin chuyển hộ khẩu về đây.
    Ngọc hỏi tiếp :   
- Thiệt hả anh? Ngọc nhìn Sạch chăm chăm.
    Sạch cúi mặt, đoạn gật đầu nhẹ như không muốn thố lộ tâm tư cho một ai biết.
    Nhưng Đỉnh hiểu ngỏ lời an ủi :
- Thôi, đừng buồn nữa, không riêng gì anh. Mình có nghĩa lý gì đối với những người khác bỏ ra đi tính từ ngày 30 tháng 4 đến bây giờ. Về nhà vợ chồng tôi ăn cơm cái đã, sáng mai mình kéo nhau ra phường.
    Sạch thành thật nói với vợ chồng Đỉnh :
- Hay là mình ghé phường báo cáo để lỡ đêm hôm xét hộ khẩu không bị phiền phức đến anh chị.
    Đỉnh ra bộ điệu tin tưởng :
- Khỏi, thông báo Tổ trưởng Dân Phố được rồi.
Tổ Trưởng Dân Phố là ai vậy ? Sạch hỏi.
- Chú Sáu Chói. Anh biết mà. Chị hỏi gặn Sạch.
- Tôi biết. Hồi chế độ cũ ổng là thầy thuốc nam. Đổi đời tưởng ông ta bị đi học tập cải tạo, dè đâu ổng “nằm vùng”.
    Đỉnh nói thêm :
- Chú Sáu dễ chịu, ít làm khó ai.Trong khu vực mặc ai làm gì làm, đừng làm trái với chính sách nhà nước. Tôi tin chú Sáu gặp lại anh chắc chú mừng.
    Sạch cũng tỏ lây niềm tin.
- Cầu mong được vậy.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire