Nombre total de pages vues

lundi 26 décembre 2016

NHỮNG ĐỨA CON CỦA TỬ THẦN (Kỳ thứ 5)



KỲ THỨ 5

        Các con nợ khi hay tin hộ của vợ chồng Than “nổ” bị kiểm kê tài sản, họ mừng không thể tả được. Vì họ biết khi kiểm kê thì tất cả sổ sách và tang vật không chứng cớ sẽ bị tịch thu. Họ biết vợ chồng Than “nổ” không dại khờ gì thật thà khai báo những cái không có chứng cớ để Ủy Ban Kiểm Kê khai thác thêm.
         Trong số các con nợ lớn của vợ chồng Than “nổ” là vợ chồng Long “ mặt méo” mừng to nhứt. Khi chủ nợ bị đánh tư sản thì hắn không còn sống trong cảnh trả nợ. Số tiền hắn mượn vợ chồng Than “nổ” kể như trôi theo dòng thác “cách mạng”.
         Hắn nghĩ không có cớ sự này, thì biết tới chừng nào hắn mới trả hết con số nợ to tướng mỗi ngày cứ chồng chất vốn lời. Hết kiếp cũng chưa xong. Dù là trước kia hắn có hứa với vợ chồng Than “nổ” là sẽ thanh toán số tiền vốn lẫn lời trong vòng hai năm. Nếu gặp trường hợp buôn bán khá thì sẽ trả nhanh hơn, trước thời gian giao ước.
          Về phần vợ chồng Than “nổ” có lần ghé lại cửa tiệm đều thấy khách hàng của vợ chồng Long “mặt méo” đông như kiến. Anh thăm dò thì được biết số thu mỗi ngày từ chục ngàn trở lên. Anh nghĩ thầm:
Theo đà buôn bán này thì chẳng bao lâu vợ chồng Long “mặt méo” thanh toán hết. Và mình cũng kiếm được một khoảng tiền lời hơn con số bỏ vào quỹ tiết kiệm nhà nước.
           Rồi Than “nổ” lại trách mấy con nợ khác. Nếu tất cả đều giống như vợ chồng Long “mặt méo” thì anh đỡ biết mấy.
           Nửa năm đầu, giữa con nợ và chủ nợđều mát mái xuôi chèo. Sự quan hệ đôi bên vô cùng tốt đẹp. Đúng theo dự tính của vợ chồng Than “nổ” là vợ chồng Long “mặt méo” không sai lời giao ước mà đôi khi còn làm vợ chồng anh ngạc nhiên hơn là nhận được số tiền trả nhiều hơn con số qui định.
            Anh thường khoe với số người thân thích là Long “mặt méo” quả người biết chuyện, không bao giờ để mất chữ tín, không ù ơ dí dầu như những người khác lúc mượn tiền thì năn nỉ ỉ ôi đến khi được tiền rồi thì lại lần lựa qua ngày qua tháng. Mỗi khi hỏi tới thì viện đủ thứ trên đời...
              Riêng Long “mặt méo” lần nào cũng vậy, trả tiền cho vợ chồng anh đều nói lên một câu đến mức anh thuộc lòng:
Người ta gán cho tôi cái tên Long “mặt méo”. Nhưng tôi sẽ làm những điều gì để chứng tỏ là mặt tôi tròn. Mà anh thấy tôi “tròn” không?
            Chữ “tròn” đây Long hàm ý cho Than “nổ” thấy là tròn tiền vay mượn, anh trả đàng hoàng.
Dĩ nhiên Than “nổ” vuốt theo lời nói của Long “mặt méo”.
Vợ chồng tôi mến anh ngay từ đầu. Không phải tôi nói nịnh anh nhé mà là thật lòng tôi đấy anh Long ạ. Vợ tôi và vợ anh cũng hạp tánh. Nhưng chẳng hiểu nguyên nhân nào người ta gán cho anh cái tên Long “mặt méo” vậy?
            Long hỏi ngược lại :
- Mà anh thấy mặt tôi có méo không?
            Than “nổ” không do dự trả lời ngay để làm vửa lòng con nợ của mình:
- Không. Họ đặt tầm bậy. Hơi đâu mà quan tâm đến ba chuyện lặt vặt đó. Mình cứ làm ăn buôn bán, tiền bỏ đầy túi sướng nhứt đời. Anh nghĩ lại xem những gì tôi nói có đúng không?
            Long “mặt méo” được người tâng thì khoái chí. Anh cười xòe với Than “nổ”. Đoạn nói thêm : Thiên hạ đặt cho cái tên ấy cũng không sai. Và cũng có ly do, sau này sẽ giải thích rõ anh hiểu
            Long “mặt méo” cũng đặt câu hỏi lại:
- Còn anh, vì sao họ gọi anh là Than “nổ”?
            Nghe Long “mặt méo” đột nhiên hỏi đến cái tên thiên hạ đặt Than “nổ”. Anh phì cười:
- Họ đặt là một chuyện, còn tôi chịu hay không là một chuyện khác. Mà xét ra họ đặt như thế không đúng tí nào. Anh thấy tôi có “nổ” không?
- Có.
            Than nổ trố mắt nhìn Long “mặt méo”. Anh không ngờ người mà anh tưởng cùng một phe với mình lại thốt lên những lời đồng tình với sự châm biếm của Thiên hạ vùng Khánh Hội.
            Long “mặt méo” thấu rõ sự suy nghĩ của Than “nổ”. Anh mĩm cười, hỏi tiếp:
- Anh không đồng ý biệt danh “nổ” sao? Mà tôi nghĩ người ta kêu như thế cũng đúng, không sai chút nào. Đáng lý anh phải hãnh diện chứ.
            Tới mức này Than “nổ” không còn chịu đựng được cơn tức nung nấu trong lòng. Anh như không còn dị nễ, liền nói giọng ngập ngừng, nhưng như là hờn giận, trách móc:
Tôi không ngờ đến cả anh...
- Tôi thì sao?
- Tới anh cũng đồng tình cho tôi có “nổ”.
            Long “mặt méo” giải thích:
- Tại vì anh mang cái tên Than nghe hay  nay thêm bí danh “nổ” lại càng nghe hay hơn. Than thì phải nổ. Than nổ đúng vần đúng điệu.
            Than “nổ” lắc đầu:
- Anh khéo dẫn chứng, biện luận. Tôi chịu thua anh.
            Long “mặt méo” chưa chịu buông tha, oang oang thêm:
Tôi thấy anh “nổ” cũng có sao đâu. Nếu anh không nổ thì thiên hạ đâu có tới cầu xin anh gở rối tơ lòng. Anh đâu có được mọi người chịu ơn anh.
            Long “ mặt méo” đánh động tâm lý, vuốt lời cho Than “nổ” mát ruột.
Như chẳng hạn vợ chồng tôi nè, không bao giờ quên ơn vợ chồng anh đã giúp đỡ cho tôi mượn tiền để làm ăn nuôi nấng đám con thơ giữa lúc tôi mới về xóm này, xa lạ chưa quen biết ai cả.
            Than “nổ” cảm thấy như trận mưa vừa đổ xuống tưới mát tận đáy lòng. Anh sản khoái, hít thở làm một vài động tác co giản chân tay vui vẻ:
- Tôi biết coi người lắm. Thấy vợ chồng anh còn trẻ mà biết lo làm ăn là tôi chịu. Hơn nữa vợ tôi cũng nói thêm là vợ anh gốc người Hoa, dù gì cũng tin tưởng hơn người khác.
            Long “mặt méo” tấn công đòn cân não để Than “nổ” vững niềm tin:
- Người mình còn chia rẽ chứ người Hoa họ đoàn kết lắm. Và không bao giờ để mất uy tín.
- Biết. Tôi biết mà. Hồi trước tôi có làm ăn chung với họ một thời gian, người Hoa trọng chữ tín vô cùng.
            Long “mặt méo” bàn sang chuyện khác:
- Thật là tội nghiệp, ở khu vực Xóm Chiếu một số hộ bị đánh tư sản. Nghe đâu ông bà Chín Mai uống thuốc tự tử, nhờ con nó hay được chở vào bệnh cứu sống.
            Than “nổ” phàn nàn thời thế:
- Tự vận là phải. Cả đời làm ăn giành giụm tiền bạc gây dựng nhà cửa đồ đạt, nay bị cho là tư sản kiểm kê lấy hết thật là ác nhơn ác đức. Gặp tôi cũng chết cho rồi. Nhà cửa, tài sản của mình mà mình không được làm chủ thì thử hỏi anh có tức không?
            Long “mặt méo” trẻ tuổi tánh nóng, nong nỗi nói:
- Gặp tôi ăn thua đủ.
Anh tức mà nói thế, chứ suy đi nghĩ lại thì mình như cá nằm trên thớt. Làm dữ không có lợi gì cả. Biết bao nhiêu người cùng chung hoàn cảnh, họ vẫn cố chịu đựng.
            Long “mặt méo” bắt đầu tâm sự :
- Nói thật với anh. Gia đình tôi cũng bị đánh tư sản ở Vũng Tàu ai cũng biết danh hãng nước mắm Lâm Hồng, đó là của ba má tôi. Tôi mới cưới vợ được hai tháng thì đổi đời, giải phóng.
            Nhắc tới quá khứ như gợi lại những hình ảnh đau thương của những ngày gia đình bị khống chế suốt thời gian bị kiểm kê tài sản.
            Ba má Long “mặt méo” lúc ấy như người mất hồn. Bọn công an kèm sát như sam. Toàn bộ người trong nhà bị canh giữ và bị cật vấn đủ chuyện. Đặc biệt là vợ anh bị hỏi tới hỏi lui điều tra coi vợ anh có quan hệ với những người Hoa tổ chức đưa người vượt biển cửa Vũng Tàu không !
Sau lần bị kiểm kê đánh tư sản, ba má tôi khuyên tôi nên đưa vợ vào Sàigòn để tránh tai mắt của bọn công an địa phương.
            Than “nổ” hỏi cắt ngan dòng tâm sự của Long “mặt méo”:
- Anh có bà con thân thích ở Sàigòn không?
- Có chứ. Bên phía tôi có người cô ở cầu Ông Lãnh còn bên vợ tôi thì ở bến Hàm Tử.
- Sao anh không ở hai chỗ đó mà lại về đây?
            Long “mặt méo” lớn tiếng:
- Mua nhà đâu phải dễ anh. Mấy căn nhà ở địa điểm tốt, cán bộ ngoài Bắc vô chiếm hết. Tôi may nhờ có người giới thiệu mới được về đây.
            Than “nổ” hỏi thăm dò:
- Vùng khánh Hội này anh ở thấy hạp không?
            Long “mặt méo” đáp ngay không do dự:
- Trước đây tôi có nghe qua tai tiếng vùng này ghê lắm, du đảng du thực, nhứt là ở khu chợ Tôn Đản. Nhưng khi tôi về ở tới giờ thì thấy có xảy ra những gì đâu? Tôi thấy sống yên lành.
- Đúng đấy. Tiếng đồn không sai. Kể từ ngày giải phóng không còn những gương mặt quấy nhiểu đó nữa, chắc là bị bắt đưa đi cải tạo hết rồi. Xóm này dân “nằm vùng” nhiều nên sau ngày giải phóng cũng có thể mấy tên du đảng sợ bị tố, phải trốn chỗ khác.
            Than “nổ” lại hỏi gặn:
- Mấy ngày đầu mới giải phóng, anh có nghe tin những tên du đảng, giựt đồ, móc túi bị Bộ đội bắn chết tại chỗ không?
            Long “mặt méo” gật đầu :
- Có. Tôi có nghe chuyện đó.
            Than “nổ” tiếp lời:
- Lần đó, nghe đâu tên du đảng khét tiếng vùng này cũng bị bắn chết. 

            Long “mặt méo” không có chủ tâm giựt tiền của vợ chồng Than “nổ”. Dù sao anh luôn luôn nhớ ơn hai người này đã giúp đỡ gia đình anh thoát qua cơn sóng khó khăn trong việc lập nghiệp làm ăn. Giữa thời buổi thời thế còn tranh tối tranh sáng mà vợ chồng Than “nổ” dám cho vợ chồng anh mượn một số tiền lớn để gầy dựng làm ăn nuôi dưỡng gia đình nằm trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
            Vợ anh cũng thường khuyên sống đừng bao giờ đi ngược lại lẽ phải. Đừng phản trắc trong bất cứ tình huống nào. Người nào mình đã thọ ơn thò phải nhớ suốt đời.
            Song, năm đầu thì buôn bán đắc như tôm tươi. Và suốt khoảng thời gian đó, tiền bạc sòng phẳng cho vợ chồng Than “nổ”. Trong lúc ấy, vợ chồng Than “nổ” đôi khi than van với vợ chồng anh về một số người tới mượn tiền rồi hẹn lần hẹn lựa không chịu trả. Chính anh cũng cảm thấy bất mãn giùm cho vợ chồng Than “nổ”. Vợ anh mở lời an ủi hai người:
Anh chị đừng có buồn. Trời cao có mắt. Những người ăn ở bất tín như thế sẽ mạt suốt đời. Anh chị làm phước thì sẽ được phước.
            Kể từ khi chiến tranh biên giới Trung Việt năm 1979, ở miền Bắc thì chuyện bán buôn bị tuột xuống không thể tưởng tượng.
            Vật giá hàng mỗi ngày một tăng. Khách mua hàng thưa dần. Thêm phần công an bố trí các ngõ ngách kiểm soát gắt gao nên những món hàng “đen” không cách nào lọt qua được.
            Những thứ bị trở ngại đều ảnh hưởng tới mức thu hàng tháng của vợ chồng Long “mặt méo”. Vì vậy số tiền trở nợ cho Than “nổ” bị giảm. Và lắm lúc chẳng còn êm đẹp như thời gian đầu. Khi có khi không khiến cho Than “nổ” khó chịu buông tiếng nặng nhẹ.
            Nếu không vì lời khuyên của vợ thì Long “mặt méo” không chịu thua lời ăn tiếng nói với Than “nổ” dù biết rằng anh đang là con nợ.
- Xin anh cho tôi khất lại lần sau. Dại này buôn bán ế quá. Mấy tay bổ hàng hối thúc tôi phải kịp thanh toán cho họ. Bằng không họ cúp thì tôi không có hàng để bán cho khách hàng. Cửa tiệm mình mà thiếu hàng theo nhu cầu của kh́ach thì lần hồi họ bỏ đi hết.
            Long “mặt méo” như cố ý đánh tiếng dọa nhưng ngoài mặt giả nhân giả nghĩa:
- Các chỗ bổ hàng bán mà rút lui thì anh em mình cũng chết cứng. Tôi hiểu là anh kẹt, nhưng tôi lại càng kẹt hơn anh. Hôm qua bán thu được một chút ít định đưa cho anh. Đùng một cái thằng bổ hàng gạo tới đòi. Hắn hăm he nếu lần này tôi khất tiếp thì hắn không giao hàng nữa.
            Than “nổ” nặng trĩu trong lòng. Anh không còn thiết tha gì để nghe những lời than van của con nợ. Anh muốn hỏi Long “mặt méo” một câu:
- Anh có tiếp tục trả hay không để tôi giải quyết?
            Nhưng nhớ lại những lời của vợ và hình như cứ thủ thỉ bên tai làm cho anh phải chùn lòng:
- Một câu nhịn chín câu lành. Nóng giận mất khôn. Nhứt là khi đến lấy lại tiền của các con nợ.
            Than “nổ” đành phải dịu giọng:
- Anh Long ơi! Mong anh cố gắng góp cho tôi nhé. Lúc này vợ tôi kẹt lắm.
- Như tôi đã trình bày anh từ sớm tới giờ. Không kẹt trả bớt cho mấy tay bổ hàng thì tôi thanh toán nhanh cho vợ chồng anh rồi. Anh thấy lúc trước buôn bán khá, tôi trả cho anh đôi lần trước kỳ hẹn.
            Long “mặt méo” cố nhắc lại thời gian qua hầu để chủ nợ có những giây phút dịu lòng:
- Đúng vậy, tôi không chối cãi là anh thanh toán rất đàng hoàng. Và bây giờ tôi cũng hiểu là anh lâm vào trường hợp khó khăn. Nhưng tôi cũng mong anh nhín lại chút đỉnh của các tay bổ hàng mà góp trả cho tôi phần nào, kiến tha lâu đầy tổ Long ạ.
            Than “nổ” đã ráo nước miếng hầu xoáy vào tâm của con nợ. Anh thầm nghĩ : mẹ kiếp, đã mất tiền mà tốn cả hơi. Lời lãi chẳng bao nhiêu giờ phải mắc công chầu chực.
            Long “mặt méo” chẳng những không trả tiền cho chủ nợ mà lại lên giọng như ra lệnh:
- Kỳ tới anh có tới thì tới cuối tháng, đừng đến hàng tuần như vầy tôi không làm ăn buôn bán gì được hết.
            Rồi Long “mặt méo” làm ra dị đoan, quay lại trách chủ nợ:
- Tôi thấy lạ, nhiều khi muốn nói ra nhưng vợ tôi cản.
- Lạ, mà lạ cái gì, anh nói rõ, tôi không hiểu anh muốn nói gì?
- Mỗi lần anh tới là ngày đó tôi ít khách hàng.
            Than “nổ” nghe con nợ thốt ra những lời như ra lệnh cho anh không được đến đòi nợ hàng tuần mà điều này trước đây chính hắn đặt điều kiện khi tới nhà vay tiền. Hôm nay mượn tiền được rồi, có cửa tiệm buôn bán kiếm sống qua ngày lại trở giọng ngược ngạo, dựa vào những mê tín dị đoan. Anh muốn nện cho một cú đấm vào cái mặt méo của hắn cho hả giận, tới đâu thì tới. Anh nén nỗi điên đang sôi sục trong đầu thành âm thanh lạt lẽo:
- Được rồi, tôi sẽ tới đúng theo lời anh vừa thốt ra. Đây là lần cuối mong anh giữ lời nhé.

            Đêm đêm sau khi đóng cửa tiệm. Vợ chồng Long “mặt méo” dùng cơm tối xong liền đổ tiền ra đếm để tổng kết số thu trong ngày.
            Chí Hảo, vợ Long “mặt méo” thấy số tiền bán hàng thu vào được kha khá, thật tâm đề nghị với chồng:
- Anh à, bữa nay mình bán được. Vậy nên trả bớt cho vợ chồng anh Than nghe, tội nghiệp ảnh tới lui nhiều lần rồi lại về không.
            Long “mặt méo” lặng thinh một đoạn lên tiếng như từ chối:
- Khoan đã. Lần tới đưa. Kỳ này kẹt.
            Chí Hảo, biết tánh chồng, nghẹ giọng hỏi:
- Kẹt nữa sao anh?
- Ừ, bà sáu nước mắm Phú Quốc. Bả hăm he.
            Chí Hảo thở dài.
Long “mặt méo” biết vợ buồn rã ruột vì nợ nần đủ nơi, đủ chỗ. Nếu tình trạng này kéo dài thì biết chừng nào trả hết nợ. Anh hiểu vợ mình rất nặng tình cảm với vợ chồng Than “nổ”. Nhưng biết phải làm gì hơn. Đưa chỗ này thì kẹt chỗ kia. Khổ ơi là khổ!
            Anh không muốn vợ mình phải suy nghĩ nhiều, nói khéo để vợ yên tâm:
- Có thể sẽ nhín lại chút ít. Cố nói bà sáu thông cảm một lần nữa coi có được không.
            Chí Hảo nghe chồng nói sẽ để lại một chút ít trả bớt cho vợ chồng Than. Chị cười trở lại:
- Anh cố nài nỉ bả, em thấy bả cũng không đến nỗi
- Phải rồi bả không đến nỗi khó. Bà đâu có biết bả hăm he tôi như thế nào không?
            Chí Hảo khựng lại nhìn chồng không chớp mắt như bị thu hút tâm hồn:
            Long “mặt méo” nói tiếp:
- Bổ hàng ky rồi, bả nói nếu lần này không đưa tiền thiếu ba lần trước thì bả không bổ hàng kỳ tới. Đó bà đã nghe rõ chưa?
            Chí Hảo im lặng đứng dậy tới bồng thằng cu tèo lên gác để mặc chồng ngồi sắp xếp tiền cho thứ tự. Chị nói vói:
- Vậy thì tùy ông tính sao cho ổn thôi.


       Vợ chồng Than “nổ”  lần nào cũng xào xáo gây lộn với nhau sau một chuyến đi đòi tiền các con nợ.
            Than “nổ” vừa về tới nhà là la ầm lên quát tháo với vợ kiểu như giận cá chém thớt. Liểu, vợ Than “nổ” sinh quán miền Trung nên cũng không vừa gì. Chị la hét như con sư tử cái:
- Nầy, tôi nói cho ông biết, đừng có thấy tôi nín thinh mà làm tới na. Bởi tại cái bản tánh nóng của ông mà có chuyện gì thành đâu. Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, càng đứng trước chuyện khó khăn thì mình phải bình tỉnh, cố gắng giữ thái độ nguội lạnh. Ông không nghe dân gian có câu: nhu thắng cương hay là giục tốc bất đạt.
            Than nghe vợ triết lý, càng làm anh tức tối thêm. Anh không dằn được cơn giận, đập bàn đập ghế, bung lời nói không còn đứng đắn:
- Có giỏi thì lần tới đi đòi họ, tao không đi nữa. Đâu phải tiền của tao.
            Liễu thấy chồng bắt đầu lộ chân tướng thô lỗ, nói năn không còn bình thường để cùng chung giải quyết vấn đề nan giải. Chị ngầm nghĩ : nếu mình làm dữ thì bất lợi. Hơn nữa mình đã khuyên ổng đừng nóng mà mình lại nóng nữa thì hóa ra mâu thuẩn chính mình sao? Liễu biết chồng hảo ngọt. Dù nóng giận la lối nhưng sau đó nếu được vuốt ve dỗ ngọt thì tan biến cơn thịnh nộ. Tình trạng này đã xảy ra như ăn cơm bữa. Nhiều khi gây nhau đến mức độ tưởng chừng như vợ chồng chia tay, đường ai nấy đi. Nhưng rồi một bên dịu xuống thì mọi sự trở lại bình thường như chẳng có điều gì đáng tiếc xảy ra.
            Liễu đi xuống nhà bếp làm cho chồng một ly nước chanh pha đá lạnh.
            Than “nổ” ngồi ở nhà trên miệng lẩm bẩm:
- Đưa mẹ nó ra công an xử.
            Liễu bước lên nhà trên đến sát chồng, dáng điệu gần như nhỏng nhẻo. Chị dâng cho chồng ly nước đá chanh, kèm theo giọng Trung:
- Nà, đừng có la lối nữa. Hãy uống ly nước này hạ cơn thịnh nộ. Mà việc gì làm ông giận tím môi thế?
            Than “nổ” chưa dứt cơn tức nên còn làm nư. Anh ngoảnh mặt nhìn chỗ khác, không thèm cầm ly nước đá chanh do vợ đưa tận tay.
            Liễu giữ thái độ chìu chồng:
- Kìa, thôi mà, chuyện gì từ từ kể lại em nghe, rồi vợ chồng cùng nhau tính tóan, giải quyết có hay hơn không.
            Chị vừa nó vừa vuốt vai, vuốt tóc chồng.
Than “nổ” lắc lư đầu vài cái, đoạn quay mặt lại nhìn vợ khoảnh khắc, cất tiếng:
- Mẹ kiếp, trước đây mình tưởng vợ chồng nó đàng hoàng. Lúc đến mượn thì như kẻ ăn xin. Bây giờ được rồi trở chứng, thật đáng ghét.
            Nói xong Than “nổ” chăm chăm nhìn vợ, tiếp lời quả quyết:
- Theo ý tôi...đưa tụi nó ra công an cho rồi. Nhờ tới chính quyền xử lý.
            Liễu lựa lời giải thích:
- Đừng nóng. Anh nên nhớ là chính quyền ngày trước không còn nhé. Hôm nay chính quyền mới mình sẽ bị thu thiệt.
       Than “nổ” cãi lại:
Làm gì thu thiệt. Mình có tiền là thắng kiện. Đa kim ngân phá luật lệ.
            Liễu cẩn thận nói nhỏ vừa đủ nghe:
- Anh nhầm rồi, đổi đời, chính quyền mới sẽ bênh vực người nghèo. Họ cho những người có tiền của nhiều là hạng hút máu của dân. Anh còn nhớ cuộc đấu tố ngoài Bắc không?
             Nghe vợ nhắc lại chuyện xa xưa, việc đấu tố các người giàu có khiến Than “nổ” hơi lo âu, băn khoăn. Anh hỏi lại vợ giọng Nam:
- Như vậy chẳng lẽ mình chịu bó tay à?
            Liễu cười nhẹ buông lời khuyên chồng:
- Số tiền họ còn thiếu quá nhiều, làm gấp quá vợ chồng họ đánh liều thì mình chảng lấy lại được. Anh để đó em tính. Đồng ý chứ? Không khéo tiền mất họa mang nữa.
            Than “nổ” gục đầu chán nản. Anh chẳng còn muốn bàn tính gì thêm với vợ.
            Bầu không khí lạnh lẽo. Vợ nhìn chồng, chồng ngó vợ. Trong đầu mỗi người dệt những dòng suy nghĩ riêng tư. Liễu thả giọng:
- Thôi, chuyện nợ nần của vợ chồng Long để em. Chiều mai anh tới quán chị Hiểu. Nghe đâu chị ấy định sang cửa tiệm. Nếu thấy được thì mình lấy rồi trừ khoản tiền còn thiếu.
            Than “nổ” lại than trách:
- Bà này cũng cáo lắm. Miệng mồm dẻo hơn kẹo kéo. Tới gặp bà này cũng phát chán.
            Liễu trách khéo chồng:
- Anh làm cái gì cũng cho là chán. Ngày tối chỉ có phận sự đi thu lại tiền thiên hạ mượn kiếm lời mà cũng than. Biết bao nhiêu người làm lụn cực khổ mà chưa đủ ăn, họ vẫn chịu được.
             Vừa nói xong, chị giựt mình vì nghĩ rằng mình nói hố, không khéo lời lại chạm tới tự ái chồng thì lại sanh chuyện gây gổ nữa. Chị vội trở giọng khen chồng để phả lấp hố sâu vừa đào:
- Nói thế chứ tôi biết ông làm được. Bà hiểu có mòi nghe ông hơn tôi. Mấy lần ông đến là bả đưa không nhiều cũng ít. Không uổng công.
- Bà này cũng hạng hảo ngọt. Tôi thiết nghĩ hai đứa mình cùng tới thấy thốt hơn. Đàn bà với đàn bà dễ nói chuyện, cảm thông nhanh hơn.
- Anh nhầm to. Đối với chị Hiểu lại khác. Bả thích đàn ông. Nhứt là típ mấy ông lớn con, đẹp trai cộng thêm cái túi nằng nặng.
            Than “nổ” phản ứng lẹ buông lời khôn ngoan:
- Anh ước gì có trong danh sách vậy mà không được mắt xanh thế mới buồn chứ.
            Vợ Than “nổ” cũng trả không vừa:
- Em cũng mong anh được trúng tuyển thì em đây làm tiệc ăn mừng.
Thôi cho xin đi bà, bà chúa ghen bày đặt nói tài.
            Than “nổ” nổi hứng thốt ra một câu bất ngờ khiến Liễu hoảng sợ:
- Đừng nghe những gì...
            Chị vội bụm miệng chồng:
- Khiến đi cải tạo à? Nói bậy quen miệng.
- Chỉ có hai đứa mình nghe. Chẳng lẽ em đi tố anh?
            Lần thứ hai nghe chồng nói câu “hai đứa mình” làm chị cảm giác như trẻ lại và nuối tiếc khoảng thời xa xưa tuổi dậy thì. Và thời gian chị với Than  mới quen nhau, hẹn hò những ngả đường. Hồi đó. Than thường dùng “hai đứa mình”. Đến khi cưới nhau rồi Than vẫn còn thốt lên câu đó nghe dễ thương ngần nào.
            Kể từ ngày có con cái tới nay đã mười mấy năm, vật lộn với cuộc sống, tiếng “hai đứa mình” như bay theo cánh thời gian.
            Chiều nay, một sự ngẩu nhiên, Than lập lại lời xưa làm cho chị bâng khuâng, muốn chao ngã tâm hồn dù biết là mình đã lớn tuổi.
            Than “nổ” nắm tay vợ, hỏi:
- Mấy đứa con đâu rồi?
- Thằng Quan sang chơi với con bà Út Hụi.
- Con Hồng?
- Con Hồng đi xem chiếu bóng với con gái anh chị Huyện “đề”
            Than căn dặn vợ với thái độ lo lắng:

- Bà hãy quan tâm tới chúng nó nhiều hơn. Đừng chìu bọn chúng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire