Nombre total de pages vues

lundi 26 décembre 2016

NHỮNG ĐỨA CON CỦA TỬ THẦN (Kỳ thứ 2)



KỲ THỨ 2

        Bảy Lãi buổi sáng thức dậy thấy nháy con mắt phải là sẽ có tin buồn. Không biết tin vào những điều này từ khi nào. Lòng chùn xuống. Chờ đợi suốt ngày như chờ đợi bản án yử hình. Nhưng không, chẳng có điều gì xảy ra. Vậy mà trong tâm tư như có lửa đốt.
          Nó ngồi im nhìn trừng trừng trên vách thấy bóng chập chờn nhảy múa theo ánh đèn dầu leo lét. Tự hỏi:
Mình đây sao? Trông thảm quá ! Sao cô đơn vậy?
Bên ngoài mưa vẫn rơi.
          Bỗng như nó cảm thấy cuộc sống quá ư vô vị. Nhìn vào gương, rõ từng nếp nhăn trên trán. Mỗi nét nhăn là một đường cày sâu hoắm trong tâm hồn. Đã hơn hai mươi tuổi rồi vẫn còn hiu quạnh. Nào dám kén chọn. Đời người ai cũng trải qua một lần lập gia đình, sanh con đẻ cái, ừ bây giờ đã trở thành một thanh niên.
           Cứng lưỡi khi nghe một thằng bạn đồng nghiệp đã nói điều này bằng một giọng chế nhạo:
- Ê lâu quá không gặp mầy, tao tưởng mày bị con mẹ Renarde bắt cóc rồi chứ? Mà sao dạo này trông mầy cằn cổi quá , giống như  cụ non. Nay lại bày vẻ đeo kính đen nữa? Chỉ thiếu xách cặp táp chẳng khác lão chủ tịch phường mình. Sao? Nhắm làm ăn được với con mẽ chưa? Vô đại đi, con mẽ trông cũng rửa mắt, mát da mát thịt lắm. Bọn này thấy con mẽ ló mòi rồi đó.
           Bảy Lãi để mặc cho bạn bè bàn tán. Nó thầm nghĩ : Lạ thật, mình có làm điều gì đến nỗi bạn bè lâu ngày gặp lại thốt lên những lời ấy. Tại sao cứ gán mình với Renarde? Chẳng lẽ không tìm ra một bạn gái nào? Mình nói chuyện cũng đâu đến mức tệ? Hay là tại nước da mình đen nên cái duyên bị đánh mất...?
           Không kén chọn, nhưng đối với Renarde thì mình không thể tiến tới được, chẳng tương xứng chút nào. Lấy Renarde chắc chắn gia đình không bằng lòng. Nhưng điều đó không quan trọng, mặc dù tình yêu không biên giới tuổi tác. Renarde lớn tuổi hơn mình một con giáp, chẳng lẽ trai mới lớn lại lấy gái già? Mà không phải nữa, Renarde là gái một con. Người ta thường nói : gái một con trông mòn con mắt. Nhưng nhìn vào Renarde mình chẳng thấy rung động lòng.

           Bực tức, mắc cỡ có lần bạn bè cứ trêu:
Mầy lai, con mẽ cũng lai, nhưng có điều mầy da đen, nó lại trắng. Không sao đâu mầy ạ. Hai đứa hợp nhau sanh con đẻ cái, nước da con của hai đứa mầy chắc hẳn là tuyệt.
           Sao đời chua xót quá vậy? Từ lúc lọt lòng mẹ sự sống đã không ngọt rồi! Bây giờ đến lúc duyên tình cũng không ngọt nữa sao? Hay là tại mình... Bảy Lãi cười một mình với bóng. Không biết có điều gì để đáng cười. Hình như đời đã cười lâu rồi thì nay mình có tự cười lấy mình cũng chẳng sao? Nó đốt thêm điếu thuốc nữa để lắng nghe nỗi buồn phiền tuôn vào phổi, vào óc, vào tim...Thấy trong lòng ngực đau nhói. 
            Nhìn ra ngoài trời, qua ô cửa sổ tưởng như thân phận một thằng tù. Từ khóe ,ắt hình như có những giọt lệ đang chảy dài như những giọt mưa.
            Mưa vẫn chưa ngưng. Tiếng sấm sét lại nổ nghe sao như tiếng thét của mẹ nó ngày nhận được tin chồng qua đời. Tám, em gái nó ôm chặt mẹ mắt đẫm lệ:
- Cha mất rồi anh ơi!
- Không ! Cha vẫn còn mà ! Không !
             Đêm ấy thức trắng, Bảy Lãi ngồi im như người mất hồn. Đúng vậy, hình như hồn nó đang quỳ lạy bên xác người cha. Cả nhà, từ mẹ đến các chị, mấy đứa em lục tìm những tấm ảnh của cha. Không cần tìm kiếm cha. Cha, đong đầy trong trí nhớ:
 “ Ông cúi xuống thổi phù lên vết thương nơi đầu gối, vừa được sức thuốc nữa. Tưởng sẽ bị cha nện cho một trận đòn, nhưng không cha chỉ nói nhẹ nhàng:
Nghịch quá. Không chịu ngủ trưa, chạy chơi lung tung...
             Nhắm mắt hình dung khuôn mặt của cha hốt hoảng khi thấy đứa con trai bị té. Máu tươm từ đầu gối làm thấm đỏ chiếc áo lót của ông. Nếu mình không bị té mất một mảnh da ở đầu gối thì không thấy rằng cha vẫn quan tâm.
             Lúc ấy, thầm công nhận là tình thương của cha kín đáo thật. Khác hẳn mẹ. Nhà đông con, là đứa con trai đầu tiên trong sáu lần sanh nở của mẹ. Nhưng đặc biệt nó không cha cũng không giống mẹ.
             Tưởng chỉ là đứa con sinh ra bình thường, không phải là sự mong đợi của mọi người. Đã lầm, cha thương tất cả. Gái hay trai đều là con, kết quả của những đêm vợ chồng ân ái.
             Thế giới chung quanh như đã không còn. Kể từ ngày mất cha, hình như không còn ý nghĩa gì hết.
Nỗi bâng khuâng về cái chết của người cha loang rộng. Không còn thấy được hình hài người cha thêm một lần nữa trong đời, như đã không còn kịp để nhìn thấy nụ cười của cha, tai không còn nghe lại những lời cha căn dặn:
- Con ơi Ngày con mới sinh ra, mọi người nhìn con cười mà con lại khóc. Vậy con hãy sống như thế nào để khi con nhắm mắt lìa đời, mọi người đều nhìn con khóc mà con lại cười.           
              Lời dặn của cha như con sóng làm giao động mặt hồn. Những con sống loang rộng thành những vòng nước của bến sông năm nào lúc hai cha con cùng tắm chung. Khi đó ngưỡng mộ thân hình của cha bao nhiêu thì giờ phút cuối có lẽ cha với bộ xương còm nhòm theo như lời tả trong thư của người cô bên bản xứ.
             Thương xót cha vô ngần. Cha đã biến thành một người khác nằm ngoài tâm trí. Nếu đừng có ngày 30 tháng 4 thì đâu có cảnh xa cha. Cha đâu có gầy ốm hom hem?
              Tướng mạo cha oai nghi lắm mà. Thán phục cha trong sắc phục đang hành sự. Không tin ở tai nghe nữa rồi. Cuộc đời có quá nhiều hồ nghi nên không chấp nhận hình ảnh người cha quá tiều tụy. Nghe nói, cha trước khi nhắm mắt từ giả cõi đời đã nở một nụ cười đẹp. Rất tin, cha lúc nào cũng nở một nụ cười đẹp và đầy bao dung. Không đủ ngôn từ để viết về người cha, cũng như không đủ ngôn từ để viết về đời mình...


               Nhìn cây vú sữa nhà bên cạnh bị gió đánh gãy một nhánh, tưởng đời mình như cành cây đang nằm soài trên đất ẩm ướt. Cơn mưa vừa ngừng.
               Bảy Lãi bối rối như bị bức lìa ra khỏi cội ngành. Vết đau cũ vẫn còn ung mủ. Nó mang trái tim ung mủ đến nhà người chị thứ ba đã lập gia đình nhưng bất hạnh mái ấm gia đình, gặp người chồng rượu chè, cờ bạc. Chị ba của nó bất hạnh thân thể từ trong bụng mẹ, giờ lại bất hạnh cả hạnh phúc. Hai con tim tật nguyền nhìn nhau tóc mủ.
               Khi nó trở về nhà thì nhánh cây gãy bên nhà hàng xóm đã được thu dọn rồi. Tần ngần tìm kiếm dấu vết nhánh cây gãy, hình như da thịt đang bị nứt ra đường dài sâu thẳm.
               Bảy Lãi chạy vào nhà réo mẹ, gọi các em. Nhưng chẳng có tiếng trả lời. Căn nhà vắng lạnh. Nó ngồi ôm đầu gục dưới chân bàn thờ khóc như thở chào đời.
               Ước gì nỗi buồn như một thứ trái cây, có thể cắt chia hết cho mọi người.
               Trở ra, nó đi lang thang, không biết gì nữa, không thiết tha gì thêm. Chưa vợ, chưa con. Giờ mất thêm một người cha. Còn làm được gì? Làm cái gì? Cơm mỗi ngày chỉ ăn một buổi. Ngủ cũng chiếm một góc nhỏ.
                Cuộc sống có lúc thấy chật hẹp, nhưng đôi khi cũng thấy quá thênh thang. Cơ hồ không có được một cái gì thêm. Cha đã ra đi cũng không mang theo được cái gì, ngoài nụ cười.
                Tìm kiếm tích lũy để làm chi? Đến khi ra đi phải nhăn mặt, mày nhó. Có nhiều thứ cần phải mang theo mà không được.
                Hạnh phúc bây giờ là đứng nhìn những gốc cây cổ thụ nằm phơi mình. Những cái rể dài ngoằn ngoèo như những ngón tay vĩ đại đang cố bám víu cuộc đời.
                Khác người. Khác cả cỏ cây. Những gốc cây vẫn ham sống, cố níu vào lòng đất để nảy được những chồi lá lưa thưa.
                Nhớ lại lời mẹ kể : năm Nhăm Thìn,1952, một trận bão đã đánh rạp những cây cổ thụ nằm ngổn ngang. Gốc cây với những rể dài bám víu vào lòng đất cố duy trì sự sống một cách mãnh liệt.
                Bảy Lãi cảm thấy đớn đau xót xa, thương cho từng nhánh cây bị cháy xén, dưới thân cây có những cành như những cánh tay vươn cao lên trời.
                Nó ngồi dưới một gốc cây bịnh hoạn, già nua, da sần sùi, hồi tưởng đến cánh tay của cha.
                Thảo cầm viên về chiều thưa người.
Bảy Lãi chợt thẹn với ý nghĩ lạ lùng. Tại sao lại ví hạnh phúc của mình như sự khát sống của cỏ cây? Bồi hồi nhìn một cành hoa dại nở kiêu hãnh trong một kẽ đá. Nếu không có sự đấu tranh sinh tồn thì cành hoa này đâu có thề lách mình dưới phiến đá lớn để rồi cho ra hoa?
                 Cảm phục cành hoa dại. Cảm phục những gốc cây kia. Già cằn cổi mà vẫn kiên trì sự sống dù với tư thế bệnh hoạn, tật nguyền.
                Hoàng hôn xuống thấp chân trời.
Cánh cửa sắt thảo cầm viên như muốn khép lại. Bảy Lãi cảm giác nhưp đứa trẻ lạc mẹ. Nó vội chạy ùa ra mặt lộ, giống như người tù vượt ngục.
                Nó ngước mắt nhìn chân trời màu hoang hỏa, ngỡ mặt trời không còn hiện ở ngày mai. Và hình như mặt trời vừa bị loãng tan như một chất lỏng.
                Bảy Lãi lê bước khập khểnh như người hành khất suốt quãng đường đầy lá. Nó cảm tưởng những chiếc lá khô cắt đứt hai gót chân, máu tươm ra. Không còn cha thì gót chân tươm máu đỏ hơn cũng là lẽ dĩ nhiên, dễ hiểu. Điểm tựa tinh thần đâu còn nữa.
                Nó thỉnh thoảng lại đi chập choạng như kẻ say rượu, say vì trong người không dừng lại, chứa đầy những dung dịch lạ lùng khác nhau.
               Thương đời mà cũng ghét đời; đời thương và cũng ghét thậm tệ. Vì vừa hạnh phúc đó, lại đau khổ đó. Yêu thương, hạnh phúc, đau khổ như đã chảy thành chất lỏng hòa tan vào nhau làm choáng ngộp.
               Bóng tối bắt đầu bao trùm vạn vật.
Bảy Lãi cổng bóng đêm về nhà. Mẹ và các em đã ngủ say. Nó lên giường bày biện những viên đá đã nhặt được cả buổi chiều. Những viên đá màu đen tuyền. Nó ước gì cuộc đời như những viên đá đen tuyền kia thì hay biết mấy. Ít ra cũng có người điên khùng như nó nhặt đá về nâng niu, cười với đá trong bóng đêm, một nụ cười vô ý nghĩa.
               Bảy Lãi lại nhỏ lệ vô tri, nhìn tia sáng của chiếc đèn dầu. Mắt nó lòe đi, tưởng như mặt trời sẽ đi biền biệt.
               Nó nhảy xuống giường đi vào phòng tắm tạt nước vào mặt lia lịa như cho nước cuốn trôi những ý nghĩ bậy bạ đêm qua in sâu vào cơn mộng mị...

               Trong giấc mơ, Bảy Lãi thấy làm tình với Renarde, với nhiều người con gái khác cùng một lúc, ở đâu mà nhiều quá vậy?
                Nó mắc cỡ với chính mình. Tắm táp, kỳ cọ, cố tẩy sạch những ý nghĩ tội lỗi. Không biết những ý nghĩ đó từ đâu len vào trí não. Ngự trị trong đó. Nằm khép mình từng tế bào. Ký ức li ti.
               Màn đêm tịch mịch. Bảy Lãi không ngủ được. Không cưỡng lại trí óc. Hèn quá. Nhưng là con người, cái đầu phải nằm cao hơn bộ sinh dục. Tại sao lại để bị khống chế?
               Nó tự nguyền rũa. Không tha thứ dù chỉ là chuyện trong giấc mơ.
               Bảy Lãi tự an ủi : Lần sau nếu có mơ thì mơ cái gì đẹp hơn. Nhìn từ trên xuống dưới nó thấy chán chường thân thể.
               Một mình ngoài phố với tâm trạng của một người đầy mặc cảm. Bảy Lãi dù sinh đẻ ở đây, nhưng cảm thấy như một người lưu vong. Đúng vậy dù có vợ, sanh con và sống tới già, nó vẫn bị coi là viễn khách.
                Nó không biết làm gì để tiêu xài cho hết thời gian. Bao nhiêu năm qua, nó đã tiêu phí nhiều thời gian cho những quanh quẩn kiếp sống.
                Nay thêm một chút thời gian nữa trong cuộc tìm kiếm định hướng cũng không là điều đáng tiếc :
Con ơi ! Con hãy sống như thế nào để xứng đáng kiếp làm người. 
               Cha nói rất đúng. Nhưng Bảy Lãi đã làm ngược lại. Nó đã tham gia, nhập cuộc vào cái xã hội mới. Lập chiến tích nhưng nó vẫn bị hồ nghi. Trong ánh mắt của lão chủ tịch phường như nó chẳng khác nào là cái gai nhọn.
                Bảy lãi đứng trên cầu Khánh Hội trông xuống sông Sàigòn, dòng nước chảy lờ đờ. Nó mơ hồ thấy người nó mỗi lúc một thấp. Cúi xuống hay bản thân ngắn lại? Có thể đến một lúc nào đó, chiếc bóng của nó sẽ cuốn tròn lại như con cuốn chiếu và lần lần mất hút. Không bóng, không hình.
                 Trần trụi với nỗi đau càng ngày càng lan rộng như vòng nước. Vòng nước lan có qui tụ lại một chỗ không? Hay vẫn im lặng chờ đợi một khuấy động kế tiếp?
                 Bảy Lãi đã chờ đợi một phép lạ cho quay về thời thơ ấu, mặc dù biết là vô vọng nhưng vẫn đợi chờ.
                 Thời gian cuốn đi của người ta nhiều thứ hơn là đem cho.
                  Bảy Lãi không được gì; ngược lại mất quá nhiều. Mất luôn cả bản ngã. Tháng ngày lập lại bằng những lời nguyền rũa thống thiết.
                  Bảy Lãi chờ đợi để nói lên lời cuối cùng của đời mình. Nhưng chung quanh chẳng còn ai gần gủi nữa.  Những ánh mắt thân thiện nhứt như đã hóa thành hung thần...
                  Nó cất tiếng thở than theo gió như những trối trăn đã được kết bằng âm điệu điện tử. Gió thổi vào mặt bằng những cơn gió chướng. Nó cảm thấy hồn lênh đênh theo từng đợt khói thuốc.
                 Bảy Lãi thầm hỏi : không biết mình đã đứng đây từ bao lâu. Nỗi ám ảnh vì cơn lửa dữ vẫn như còn muốn táp lấy thân thể.
                 Cúi xuống thành cầu, nó nhìn thấy một cây chùm gởi đang bám víu chân cầu. Hình như trong cây đó có đôi mắt của người đàn bà nhìn ngỡ ngàng trong giây phút.
                 Không biết chứng cớ nào, người ta nó căn nhà của nó đang ở, trước đây có một cô gái tự tử. Có lần nó hỏi khéo mẹ nó :
- Má, người ta đồn xưa kia có người tự tử trong căn nhà này, má có biết không?
- Nhà đang ở...đừng có nghe tin nhảm   
Rồi không hiểu mẹ nó nghĩ gì lại bồi thêm câu:
-         Mà nếu có cũng chẳng sao đâu. Từ lúc mua căn nhà này gia đình mình làm ăn được và sau đó mầy ra đời. Hồi trước ở xóm trên suốt năm sáu năm trời, cha mầy muốn có một đứa con trai nối giòng nhưng chỉ toàn sanh gái. Rồi có một người bạn của cha mầy chỉ bảo rằng nên thay đổi chỗ ở may ra đổi đầu con.

                 Bảy Lãi nghe lời bạn bè vào Chợ Lớn tới thăm cô “chín” . Mới thoạt nhìn nó, cô “ chín” đã phán :
- Số cậu sẽ cô đơn suốt đời.             
                 Trở về căn nhà xong mùi ẩm ướt. Nó mệt mỏi, đốt điếu thuốc chờ sáng. Thức khuya có lẽ đã thành cái tật. Ngẩm nghĩ câu phán của cô “chín” Bảy Lãi cảm thấy cô đơn, đau đớn như kẻ mù vừa bị mất ánh sáng ngày hôm qua.
                 Quá khứ vẫn còn hiện hữu. Hiện hữu trong nỗi đau đớn ngất lịm. Bàng hoàng trong vùng ánh sáng đó. Cái cảm giác lệch lạc như kéo Bảy Lãi trôi tuột trơn ướt. Chung quanh mình? Ồ ! Mất tất cả? Không ! Phải trở về con đường sáng. Kẻ có ánh sáng hôm qua vì sao vụt tắt? Hết rồi !
                  Nó cảm thấy không còn là mình nữa. Thân thể của mình đây sao? Sao lại rã rời từng bộ phận như thế này? Kìa là cánh tay. Đây là cái chân. Còn cái đầu. Đâu ? Đâu rồi?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire