Nombre total de pages vues

lundi 26 décembre 2016

NHỮNG ĐỨA CON CỦA TỬ THẦN (Kỳ thứ 1)



KỲ THỨ 1

Bảy Lãi, uể oải đạp chiếc xe xích lô dọc theo con hẻm về nhà. Nó không còn phân biệt rõ mặt đường. Những tàng lá phủ lòa xòa trên cao làm con hẻm đất đỏ đã tối lại càng tối tăm hơn. Con hẻm này, nó như đã thuộc nằm lòng từng ổ gà, từng khúc quẹo, từng bụi cây.
Đã bao năm nay rồi, kể từ khi sau ngày 30 tháng 4, ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi ngày bốn lượt đi, về kiếm ăn, bảo sao nó không nhớ! Vậy mà hôm nay thỉnh thoảng xe vẫn xốc lên, nghiêng đi như muốn hất tung nó xuống đường khi bánh xe cán phải cục đá hoặc lọt ổ gà.
Bãy Lãi cảm thấy hai chân rã rời – Rã rời cũng như tâm trí của nó lúc này vậy. Nó đã kiên nhẫn gò lưng lang thang đạp xe suốt từ sáng tới trưa, rồi từ trưa tới giờ mà vẫn chưa nhặt được bao nhiêu...
Bãy Lãi cảm thấy những sợi mì tổ hợp vô vị và nhạt nhẻo trong da dày như đã tiêu tan từ lâu. Có lẽ chúng đã tiêu tan từ lúc mới được nhét vào hồi trưa này. Bụng nó như cồn cào bất tận.

 Cuốc xe vừa rồi đạp qua một dốc cầu Bảy Lãi cảm thấy bụng như quặn thắt, từng nhịp nhướng mình nhấn mạnh bàn đạp. Nó phải nhổm người lên nghiêng sang phải ngã sang trái dồn tất cả sức lực xuống gân cốt cẳng chân để cố gắng đưa nhích chiếc xe bò lên từng tí một.
Mắt Bảy Lãi muốn nổ đom đóm. Nó phải cắn răng bậm môi chịu đựng. Sau khi thả người khách xuống một góc phố nó quyết định về nhà kiếm chút gì lót bụng, không thể tiếp tục đạp tới khuya như đã định.
Trước kia đạp xe lúc nào đói bụng, Bãy Lãi thường tạt vào một quán bên đường ăn uống cho xong bữa. Bây giờ nó không làm như thế được nữa, vì đạp rạt cẳng không chạy đủ tiền rau cháo mỗi ngày cho gia đình : Mẹ và các em.
Bãy Lãi vẫn lặng lẽ đạp xe trong con hẻm tối. Hình ảnh đứa em của nó như nhảy múa trong đầu. Nó đã hứa với Tám, em gái nó một tuần nay, thế mà cho tới giờ này vẫn chưa thực hiện được.
Sáng sớm đi, đẩy xe ra khỏi cửa, Bãy Lãi đã nhủ thầm là nội nhật ngày hôm nay phải làm cho xong việc đó đối với em mình; khách gọi dù trả mắc rẻ thế nào nó cũng đi, miễn sao góp nhặt đủ tiền mua quà cho em.
 Chỉ còn hai ngày nữa là đã tới Tết rồi, mà nào món đồ to tát gì cho cam ! Một manh áo mới mặc ngày Xuân ngày Tết vui mừng. Bảy Lãi lặng lẽ buông một tiếng thở dài não nề ai oán.
Thực tình mấy đưa em của nó cũng ngoan, không dám đòi hỏi. Sống trong hoàn cảnh xã hội này, hình như đứa nhỏ đã sớm biết suy nghĩ trước cả tuổi đời của nó. Cho cái gì nhận cái nấy, chưa bao giờ vòi vỉnh đòi hỏi thứ nọ thứ kia.
Mà cũng tại nó, tuần trước, một buổi chiều khi đạp xe về tới đầu ngõ, nó thấy lẫn lộn trong đám trẻ nhỏ đang nô đùa đầu chợ Tôn Đản. Tám, em gái Bảy Lãi như dán mắt vào bộ đồ mới con lão chủ tịch phường đang bận trên người, đến nỗi nó không trông thấy Bảy Lãi đạp xe tới gần.
Thường chiều chiều, Tám vẫn hay thơ thẩn chơi ngoài đầu ngõ chợ, đợi đón anh đạp xe về. Bảy Lãi phải lên tiếng gọi hai ba lần Tám mới nghe. Nó ngừng xe bảo em :
-Thôi lên xe tao chở về nhà, tối rồi không chơi nữa.
Tám ngoan ngoãn leo lên xe, nhưng vẫn không quên ngái cổ lại nhìn bộ quần áo mới của con lão chủ tịch phường.
          Khi xe chạy khuất sau một lùm cây, Tám mới quay lại nói với anh:
- Bộ đồ mới đẹp quá anh Bảy. Nó khoe má nó mới mua để mặc Tết đó anh !
Hình như Tám nhớ ra điều gì, nó co chân lên hẳn nệm xe, xoay người lại đứng vịn hai tay vào tay lái đối diện với anh nó :
- Mà mua những ba bộ lận anh à. Lại cả đôi giày da nữa. Nó bảo hôm Tết nó mới đi giày cho bảnh.
          Nghe em nói mà nhìn xuống bộ đồ nó đang bận trên người, tự nhiên Bảy Lãi thấy trong lòng xót xa cay đắng. Tôi nghiệp em gái nó quá. Từ nhỏ cho tới bây giờ, Tám chưa được hưởng một chút gì gọi là đáng giá cả.
          Lúc mẹ Bảy Lãi sinh Tám ra đã thiếu sữa. Nó phải bú dặm nước cháo pha chút đường tán vàng khè. Năm thì mười họa nếu gặp phải bữa cha Bảy Lãi bán được kha khá, nó mới được mút sữa hộp “ con chim” mua giá chợ đen ngoài chợ trời. Sữa hộp cũng vàng lơ lớ không kém nước cháo pha đường thẻ. Ăn uống  đã phải thế còn nói chi tới quần áo. Nó đều mặc lại đồ của các chị năm xưa, hoặc vá chấp nối lại.
 Cha mẹ Bảy Lãi nói :
-Tám ra đời trong một hoàn cảnh éo le dở khóc dở cười. Lúc mang bầu nó thì cha nó bị ngồi trong lao tù; mang bầu nó, mẹ Bảy Lãi ngoài chủ trương và ngoài ý muốn của hai người – theo lời mẹ Bảy Lãi kể lại : Cha Bảy Lãi làm ăn dính líu với một số người làm nghề bất chánh nên bị bắt giam. Người đàn bà vừa nuôi chồng trong tù vừa nuôi con thơ ở nhà, lại thêm bụng dạ chửa trong lúc giá sinh hoạt vùn vụt leo thang kinh tế kiệt quệ làm sao có thể xốc vác nỗi mọi việc. Trong lúc gia đình đã khó khăn như vậy rồi, cái bầu mỗi ngày một to, mẹ Bảy Lãi chỉ còn nước chịu đựng chờ ngày đứa nhỏ ra đời. May mắn cho mẹ Bảy Lãi ngày Tám chào đời là ngày cha Bảy Lãi được thả ra. Tiếng đứa em cất lên làm Bảy Lãi sực tỉnh.
- Còn mấy ngày nữa tới Tết hả anh Bảy?
- Ờ… ờ…sắp tới Tết rồi, Hai ngày nữa thôi. 
         Bảy Lãi vừa đạp xe vừa trả lời em gái nó. Nhớ tới vẻ mặt của Tám lúc nhìn bộ quần áo mới của con lão chủ tịch phường, Bảy Lãi muốn rơi nước mắt, thương cho thân phận của đàn em khờ dại. Bảy Lãi nói với em cũng như nó nói với chính nó:
- Rồi vài bữa nữa tao sẽ mua cho một bộ đồ mới để Tết mày có bận với người ta.
        Nghe nói được anh mua quần áo mới, Tám vui hẳn lên. Ngồi trên xe Tám líu lo nói hết chuyện này tới chuyện kia không đầu không đuôi như một con chim non.
        Thấy em gái nó vui sướng dù mới chỉ nghe hứa mua đồ cho, tự nhiên Bảy Lãi cảm giác như hết mệt mỏi sau một ngày vất vả. Nó tưởng chừng lúc đó nó là cha của Tám.
        Khi xe mới ngừng trước cửa nhà, Tám vội vàng nhảy xuống chạy tuốt vô trong rối rít cùng mẹ và mấy chị:
- Anh Bảy sắp mua cho con một bộ đồ mới nè.

         Buổi tối hôm đó, suốt bữa ăn và cho tới lúc đi ngủ, Bảy Lãi thấy mấy đứa em nó không lúc nào tắt nụ cười trên môi. Nhứt là Tám quay quần bên Bảy Lãi nịnh hót.
         Đêm nằm suy nghĩ miên man, Bảy Lãi không khỏi thao thức so với cuộc sống hiện tại của mấy đứa em với cuộc sống của nó khi cũng bằng tuổi đó, mỗi độ xuân về. Những buổi chợ Tết 24-27, nó vẫn được theo mẹ ra tận chợ mua sắm Tết.
Mẹ nó đã mua từng tép lá giong về bó vào cột nhà  để một hai hôm sau gói bánh. Mẹ bảo nó làm như vậy lá giong mới thẳng không héo quăn dễ gói. Lại còn cả những ống giang dài hàng sải tay để chẻ lạt bánh chưng mà năm nào nó cũng lanh chanh đòi mang từ chợ về.
         Nhớ lại Tết hồi ấu thơ, nó không bao giờ quên được những trái banh bằng bong bóng lợn. Sáng 30 mấy chị em của nó đã bu quanh chiếc chõng tre kê trên góc vườn hàng xóm, trên đặt con lợn cạo lông trắng hếu, tíu tít giành nhau, khiến mẹ Bảy Lãi phải đuổi đi chỗ khác.
         Chỉ một trái banh bằng bong bóng lợn, thế mà mấy người chị Bảy Lãi vui chơi thõa thích cả một ngày. Tết đối với Bảy Lãi vui nhứt mấy ngày đầu năm. Tha hồ nhận được tiền mừng tuổi ông bà, chú bác, họ hàng. Tết như dài ra bất tận khi Bảy Lãi chúi đầu với anh em hàng xóm vào bàn đáo bật đáo lỗ.
Riêng em của nó không được hưởng một chút gì gọi là Tết nhứt Việt Nam kể từ khi cha Bảy Lãi về xứ và không trở qua được nữa sau ngày 30 tháng 4 năm 75. Ngày Tết cũng vẫn chỉ là những ngày thường khổ cực. Khác chăng chỉ là thêm nén nhang ngọn nến trên bàn thờ tưởng nhớ Ông bà cho phải đạo. Không còn tâm trạng nôn nóng đợi chờ như ngày xưa…
          Những hình ảnh thời ấu thơ của Bảy Lãi, những cay nghiệt của cuộc sống hiện tại, tất cả như đã quay cuồng đảo lộn trong một tâm tư sầu muộn khắc khoải. Mới hai mươi tuổi đầu nó tưởng chừng đã thành cụ già. Rõ là con không cha như nhà thiếu nóc. Triền miên suy tư đã làm cho Bảy Lãi đi vào giấc ngủ muộn màng.

           Bảy Lãi đạp xe vào sân, ngừng đậu bên góc thềm, nó bước xuống lột chiếc mũ tai bèo nhầu nát lau chưa xong cái mặt đầy mồ hôi, đã nghe tiếng đứa em gái từ trong nhà mừng chạy ra:
- Anh Bảy về.
Bảy Lãi biết Tám vẫn thường chạy ra đón mỗi khi nó về. Nhưng trong mấy ngày hôm nay ngoài việc đón mừng bình thường, nó cũng còn nhận thấy một sự nôn nống đợi chờ một bộ quần áo mới qua ánh mắt, nét mặt của Tám.
Bảy Lãi chỉ còn biết xoa đầu đứa em gái, giọng ngập ngừng:
- Ờ …tao chưa mua được đồ cho mày. Ở nhà mẹ, mấy chị và mầy ăn cơm rồi hả? Mầy đang làm gì đó?
Tám nắm tay anh bước vào nhà, Từ dưới bếp vọng lên tiếng của mẹ Bảy Lãi:
- Bảy về đó hả? Rửa mặt đi rồi ăn cơm, cả nhà ăn trước rồi.
Bảy Lãi lau sơ mặt rồi ngồi vào bàn ăn. Dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn dầu, mâm cơm của nó trông lỏng chỏng làm sao, với vài ngọn rau muống luộc và mấy trái cà thâm.
          Bữa ăn của gia đình từ bấy lâu nay quanh quẩn chỉ có thế. Không rau cà thì cũng có một chén nước tương hoặc mấy miếng cá khô mặn chát.
          Từ mẹ đến con quần quật phơi nắng ngoài chợ bán ba mớ rau, chanh, ớt cũng không chạy đủ bữa ăn hằng ngày. Các chị em và kể cả bản thân của Bảy Lãi học hành không đến nơi đến chốn, phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Vì có tiếp tục học thì trong tương lai cũng chẳng đến đâu, vì gia đình nó là thành phần kiều bào.
          Bảy Lãi nhai hết chén cơm trộn bo bo; mẹ nó đang ngồi rửa đóng rau sống đã đứng dậy lau tay kéo ghế ngồi đối diện:
- Hôm nay chạy khá không?
          Bảy Lãi nín thinh thu dọn đũa chén vào mâm. Nó cũng không quên húp nốt phần nước rau luộc còn lại trong chiếc tô, xong thọc tay vào túi áo móc ra mớ tiền lẻ lộn xộn:
- Từ sáng tới giờ mới được chừng ấy. Má nhắm chừng mua cho Tám bộ đồ mặc Tết được không? Tội nghiệp nó trông đợi cả tuần nay. Con gái lớn rồi mà chẳng có được bộ đồ mặc nên thân.
 Mẹ Bảy Lãi thở dài. Bảy Lãi biết số tiền chết đói này mua quần áo cho Tám thì sẽ hụt bữa ăn ngày mai. Nếu đêm nay nọ không đạp được vài cuốc nữa...nó nghĩ thầm, khẽ buông tiếng thở dài rồi lẻn ra sau hè làm một ly nước lạnh trước khi bước ra khỏi cửa nói vói:
- Ráng đạp thêm mấy tiếng nữa xem sao.
Nói xong, Bảy Lãi chụp chiếc mũ tai bèo đối lên đầu, đẩy xe ra khỏi cửa.

          Bảy Lãi gác một chân lên bàn đạp, tựa người vào khung xe lơ đãng nhìn mọi người ra vào chợ mua bán. Nó đậu xe ở đây, ngay đầu khu bán bông bên hông nhà lồng chợ Sàigòn gần một tiếng đồng hồ mà chẳng ma nào tới cả. Từ tối tới giờ nó chỉ bắt được một cuốc ngắn. Kiểu này rồi cũng dám lại về không: công cốc!
         Bảy Lãi đã săn đón mời chào nhiều người từ trong chợ đi ra, người nào cũng lắc đầu. Thời buổi này mấy ai còn tiền ngồi xích lô, trừ mấy người có hàng kồng kềnh nặng nề. Nó nhìn khu chợ bông thật là buồn tẻ. Lèo tèo vài ba thứ, không còn trăm hoa đủ màu như ngày xưa. Quanh quẩn chỉ toàn là hoa vạn thọ, mào gà hoặc một vài loại cúc trắng vàng èo uột.
         Trước mặt Bảy Lãi cách chừng năm bảy thước, một người đàn bà khoảng dưới ba mươi, vừa mới đứng dậy móc ví trả tiền một chậu hoa vạn thọ đi ra, chiếc sắc bằng cói đeo lủng lẳng trên vai. Nó vội vàng tiến lại vài bước đon đã :
- Cô về xe? Chuyến chót của tôi đây, cô trả bao nhiêu cũng được.
Bà ấy trả lời ngắn gọn :
- Không. 
Bảy Lãi đưa ánh mắt nài nỉ. Người đàn bà thấy Bảy Lãi quá khẩn cầu, bà nói thêm một câu an ủi :
- Tôi còn mua vài ba thứ lặt vặt nữa lát mới về.
Thất vọng, Bảy Lãi trở về đứng lại bên xe mắt nhìn theo bóng người đàn bà đi lẫn vào đám đông. Thế là nó tiếp tục đợi chờ đón khách.
         Không khí chợ Tết như chìm lắng trong ánh đèn vàng vọt. Bảy Lãi bâng quơ đưa mắt ngắm nhìn vì sao đêm lấp lánh trên cao. Bỗng nó lại dụi mắt, đồng thời tai nó cũng nghe tiếng còi tu-huýt ré liên hồi từ phía cuối chợ vọng lại. 
         Bãy Lãi nhanh nhẹn rảo bước tới phía mấy người từ đám đông tủa ra, nó bắt gặp dáng vóc người đàn bà khoác chiếc sắc bằng cói vừa rồi đang hấp tấp tiến lại chỗ xe nói giọng vội vã:
- Đưa tôi về cuối phố.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire